G2 và Chimerica bị Thủ tướng TQ lúc đó là Ôn Gia Bảo chính thức từ chối. Lý do đưa ra là TQ vẫn chưa sẵn sàng cho một vị trí lãnh đạo toàn cầu như vậy. Các học giả TQ đưa ra các lý giải đa chiều hơn. Một số cho rằng đây là cái bẫy của Mỹ và phương Tây, đòi hỏi TQ phải có nghĩa vụ đóng góp, qua đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Một số khác đề cập sự thật là, dù tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong gần 35 năm, đất nước Tử Cấm Thành vẫn là quốc gia đang phát triển, năng lực nào thì vị thế đó, đừng nên làm quá sức.
Một nhóm ý kiến khác thực tiễn hơn cho rằng là một quốc gia trỗi dậy, TQ có quyền khẳng định và thiết kế mô hình lãnh đạo của mình, mang “đặc sắc TQ” chứ không phải do Mỹ và các nước Phương Tây ban phát. Theo đó, TQ cần tự tìm ra một con đường lãnh đạo thế giới bằng phương cách “vương đạo” (thay vì “bá đạo” như Mỹ đã tiến hành).
Lãnh đạo bằng con đường riêng đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng. Một là, mô hình lãnh đạo đó dựa trên nền tảng nào? Hai là ứng phó thế nào với Mỹ, cường quốc lãnh đạo hiện tại.
Nguyên tắc không thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ được chính phủ TQ theo đuổi một thời gian dài. Nguyên tắc này một mặt dựa trên định hướng ngoại giao từ thời Đặng
Tiểu Bình thông qua bốn chữ “ẩn mình chờ thời” được diễn dịch chi tiết hơn: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.
Mặt khác Bắc Kinh hiểu sức mạnh của mình vẫn còn khoảng cách so với Mỹ. Những thành tựu kinh tế là ấn tượng, tuy nhiên giới hoạch định chính sách TQ vẫn kiểm soát chính sách ngoại giao theo nguyên tắc ẩn mình và từ chối tranh chấp vị trí lãnh đạo toàn cầu.